Thực hiện hướng dẫn số 125-HD/BTGTW ngày 17/01/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Hướng dẫn tuyên truyền kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống quốc giới Việt Nam – Lào năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn công tác tuyên truyền trong lĩnh vực  phân giới cắm mốc năm 2011 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ về việc xác định được một đường biên giới rõ rang trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại giữa nước ta và các nước có chung biên giới, mở ra cơ hội, tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị; tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt Nam – Trung Quốc;Việt Nam – Lào; Việt Nam – Campuchia thành những đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Góp phần vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống giữa các nước láng giềng không ngừng phát triển, đóng góp tích cực đối với hoà bình, ổn định và phát triển  ở khu vực.

- Chủ động tham gia xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình hành động cấp uỷ các cấp đến năm 2020.

- Trên cơ sở nắm vững quan điểm chỉ đạo của các Nghị quyết, Quyết định của Đảng và Chính phủ, đổi mới mạnh mẽ về nội dung và cách thức tuyên truyền, coi trọng chất lượng, hiệu quả và sự phù hợp về đối tượng, địa bàn cũng như thời lượng tuyên truyền.

- Thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền biển, đảo và tuyên truyền phân giới, cắm mốc một cách  nghiêm túc; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, ngành, địa phương theo chương trình, kế hoạch đề ra. Chú trọng việc trao đổi những bài học kinh nghiệm, những điểm mới, những sang kiến trong công tác tuyên truyền biển, đảo và tuyên truyền phân giới, cắm mốc của các lực lượng tham gia tuyên truyền.

 

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

Căn cứ vào tình hình triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc của từng đơn vị, ngành, địa phương (đặc biệt đối với các tỉnh, thành có biển, đảo và đường biên giới, các đơn vị, địa phương, ngành có nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến biển, đảo và công tác phân giới, cắm mốc) để xác định nội dung tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực; trên cơ sở mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, đơn vị và cả nước trong năm 2011, theo đó nội dung, nhiệm vụ  tuyên truyền cần bám sát một số định hướng lớn sau đây:

            1. Nội dung tuyên truyền:

- Đối với các LĐLĐ tỉnh, thành phố có chung đường biên giới, tuyên truyền vận động đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh biên giới, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động chia rẽ quan hệ quốc tế…

- Tuyên truyền rộng rãi và khuyến khích các hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm của CNVCLĐ hai nước và hai bên biên giới.

Tuyến Việt Nam – Trung Quốc:

- Tiếp tục tuyên  truyền các văn bản pháp lý về giải quyết biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Hiệp ước biên giới đất liền năm 1999; nội dung, ý nghĩa của việc ký kết và thực thi (có hiệu lực) của 03 văn kiện pháp lý: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

- Tuyên truyền rõ và sâu  trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và ký kết 03 văn kiện về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đã góp phần giải quyết ổn thoả vấn đề biên giới, xây dựng đường biên giới Việt – Trung thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, ngoài ra cũng góp phần tạo điều kiện cho việc ổn định, phát triển an ninh quốc phòng, giao lưu văn hoá xã hội ở vùng biên giới và làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiến thêm một bước mới.

- Tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống giữa hai  nước Việt Nam – Trung Quốc, về chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị, phát triển toàn diện với Trung Quốc. Công tác quản lý và bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc  trong tình hình mới.

- Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; nâng cao kiến thức về biên giới lãnh thổ, nhận thức rõ sự  nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp và toàn diện.

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia

- Tuyên truyền các hiệp ước về biên giới giữa hai nước như: Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia, ký ngày 18/2/1979; hiệp ước vùng nước lịch sử giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia, ký ngày 07/7/1982; hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia, ký ngày 20/7/1983; hiệp ước về quy chế biên giới quốc gia giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia, ký ngày 20/7/1983…

- Tuyên truyền về công tác hậu cần phân giới cắm mốc như điều chuyển dân cư, đất đai ở những khu quá canh, quá cư; chính sách hỗ trợ, đền bù đất đai, hoa màu để ổn định đời sống nhân dân.

Tuyến biên giới Việt Nam – Lào

- Tuyên truyền về các văn bản pháp lý liên quan đến biên giới Việt Nam – Lào: Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào ngày 18/7/1977; Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới kỳ ngày 24/1/1986…

- Tuyên truyền quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, chủ trương của Việt Nam về xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Thông qua đó, tuyên truyền nội dung Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào theo thoả thuận ngày 15/6/2007 giữa hai bên; vận động đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, các đơn vị sản xuất kinh doanh ở khu vực biên giới trong việc thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, đẩy mạnh hợp tác toàn diện về mọi mặt giữa Việt Nam – Lào.

- Tuyên truyền thực trạng biên giới Việt Nam – Lào và việc triển khai Dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; góp phần xây dựng, bảo vệ và quản lý đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.

- Tuyên truyền biểu dương các đơn vị cá nhân có thành tích trong công tác khảo sát, thi công tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam – Lào.

2. Tổ chức thực hiện:

- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cụ thể cũng như khả năng của từng địa phương, đơn vị để lựa chọn các hình thức tuyên truyền sao cho thiết thực, hiệu quả.

- Các cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống Công đoàn tích cực đưa tin, bài… tuyên truyền về tuyên truyền kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Lào năm 2011.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Ban Thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn lồng ghép tuyên truyền phân giới cắm mốc biên giới vào chương trình công tác tuyên giáo Công đoàn năm 2011./.

 

TL. ĐOÀN CHỦ TỊCH

KT.TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO

PHÓ TRƯỞNG BAN

 

(đã ký)

  Nguyễn Mạnh Hiền

 

Người ngồi đó, với cây chì đỏ. Vạch đường đi, từng bước, từng giờ... (Tố Hữu)