- Quyết định số 342-QĐ/TW, ngày 28/12/2010 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về chế độ đảng phí
- Công văn số 141-CV/VPTW, ngày 17/03/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 342-QĐ/TW về chế độ đảng phí.
- Công văn số 1266-CV/VPTW, ngày 05/12/2012 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc hướng dẫn bổ sung Công văn số 141-CV/VPTW, ngày 17/03/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng về thực hiện chế độ đảng phí.
- Những thay đổi cơ bản về chế độ đảng phí
Ngày 24.9.2001, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 09-QĐ/TW (gọi tắt là Quyết định 09) để thay thế Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 10.2.1992 về chế độ đảng phí. Quyết định 09 ra đời dựa trên cơ sở của Nghị quyết 02 và có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã có những bất cập, không phù hợp với thực tế, không theo kịp sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Bởi vậy, ngày 28.12.2010, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 342-QĐ/TW, (gọi tắt là Quyết định 342) tháo gỡ những bất cập, vướng mắc mà lâu nay nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên đã nhiều lần lên tiếng. Những thay đổi cơ bản, đó là:Về mức đóng đảng phí: Theo Quyết định 09, người hưởng lương BHXH phải đóng 1% như người hưởng lương khác, nhưng theo Quyết định 342, thì đảng viên hưởng lương bảo hiểm xã hội chỉ đóng đảng phí hàng tháng bằng 0,5% mức tiền lương bảo hiểm xã hội. Mặt khác, Quyết định 09 không phân biệt đảng viên trong độ tuổi lao động hay ngoài độ tuổi lao động, tất cả đều đóng đảng phí như nhau, nhưng theo Quyết định 342, thì đối với đảng viên ngoài độ tuổi lao động, mức đóng đảng phí bằng 50% đảng viên trong độ tuổi lao động.
Về quản lý và sử dụng: Theo Quyết định 09, số đảng phí thu được từ các cấp ủy đảng (ở trong nước) là đơn vị dự toán ngân sách Đảng, không tính vào định mức kinh phí chi thường xuyên của đơn vị mà được sử dụng hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ sở Đảng gặp khó khăn. Quyết định 342 có mở rộng hơn, cụ thể hơn, đó là: Đảng phí được trích để lại ở cấp nào được sử dụng cân đối vào nguồn kinh phí hoạt động công tác Đảng ở cấp đó. Đối với cấp ủy huyện, quận, thị; tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy Quân sự Trung ương, Công an Trung ương và cơ quan tài chính Đảng ở Trung ương, số thu đảng phí được trích giữ lại không tính vào định mức kinh phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị mà được lập quỹ dự trữ của Đảng ở cấp đó; quỹ dự trữ được dùng bổ sung chi hoạt động của cấp ủy, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức Đảng trực thuộc có khó khăn; cấp ủy Đảng quyết định việc chi tiêu từ quỹ dự trữ.
Về tổ chức thực hiện: Theo Quyết định 09, chi bộ và tổ chức cơ sở Đảng đều phải nộp đảng phí lên cấp trên hàng tháng, trừ một số địa bàn đặc biệt do các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định. Còn theo Quyết định 342, chỉ có chi bộ trực thuộc, đảng bộ bộ phận nộp đảng phí lên cấp trên theo tháng; còn các tổ chức cơ sở Đảng còn lại nộp và gửi báo cáo lên cấp trên theo quý, trừ một số địa bàn đặc biệt do tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định.
Có thể nói, Quyết định 342 về chế độ đảng phí mới, có rất nhiều nội dung được thay đổi, thay đổi về mức đóng, về quản lý, sử dụng về tổ chức thực hiện…, nhưng có lẽ thay đổi về thời gian trích nộp đảng phí của tổ chức cơ sở Đảng lên cấp trên là đáng lưu tâm nhất. Vì đó là vấn đề mà lâu nay cấp ủy các cấp, tổ chức cơ sở Đảng luôn có ý kiến đề nghị trong các báo cáo tổng kết, trong các cuộc hội nghị và luôn mong đợi có sự thay đổi sớm nhất.
Quyết định 342 của Bộ Chính trị ra đời là cần thiết để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác thu đảng phí lâu nay. Tuy nhiên, để thực hiện quyết định này còn phải có hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng. Trước mắt, Quyết định 342 đã tạo ra một không khí phấn khởi trong toàn thể đảng viên, nhất là các tổ chức cơ sở Đảng, vì những mong đợi lâu nay đã trở thành hiện thực và sắp đi vào cuộc sống.
Mai Khoa (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định)
Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/chinhtri-xahoi/2011/2/105466/